Công ty cổ phần đường sắt Vĩnh Phú

http://duongsatvinhphu.com


Vượt đường ngang khi chắn đang đóng bị phạt nặng

Vượt đường ngang khi chắn đang đóng bị phạt nặng
Nghị định 46 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB và đường sắt tăng mạnh mức phạt nhiều hành vi vi phạm lĩnh vực giao thông đường sắt.
 
11

Hai người phụ nữ cố tình trèo qua rào chắn đã đóng để băng qua đường sắt (Chụp tại đường ngang phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội) - Ảnh: K.Linh

Vượt rào chắn,vi phạm hành lang đường sắt bị phạt nặng

Tình trạng người và phương tiện tham gia GTĐB vi phạm các quy định pháp luật khi đi qua đường ngang và vi phạm hành lang đảm bảo ATGT đường sắt thời gian qua diễn biến phức tạp. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều vụ TNGT đường sắt. Chính vì vậy, Nghị định 46 đã bổ sung và tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm so với Nghị định 171 hiện hành.

Trong đó, Điều 46 về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông tại đường ngang, cầu chung, hầm, đã đưa hành vi người đi bộ, các phương tiện GTĐB vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển vào các điều khoản xử phạt. Thực tế, hành vi này khá phổ biến tại nhiều đường ngang: Khi nhân viên gác chắn đang kéo dàn chắn hay hạ cần chắn để đóng đường ngang, đón tàu, người đi bộ và các phương tiện GTĐB vẫn cố tình lách qua.

Ông Phạm Ngọc Châu, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông đường sắt số 3 cho biết, đơn vị chỉ có 2 cán bộ chịu trách nhiệm quản lý trên địa bàn hàng chục km nên không thể bao quát và phát hiện, xử lý hết được các vi phạm. Các công ty đường sắt trực việc 24/24h có thể phát hiện kịp thời vi phạm nhưng chỉ có thể nhắc nhở đối tượng vi phạm, không có thẩm quyền xử phạt. Trong khi đó, nếu phát hiện kịp thời hoặc được đơn vị đường sắt báo cáo có hành vi vi phạm, theo phân cấp, Đội trưởng Thanh tra giao thông đường sắt cũng chỉ được phạt mức từ 500 nghìn đồng trở xuống, nên khó có tác dụng răn đe, ngăn ngừa tái diễn.

Cụ thể, Khoản 4, Điều 46 tăng mức phạt từ 300 - 400 nghìn đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) vi phạm vượt rào chắn đường ngang, so với quy định mức xử phạt của Nghị định 171 là 200 -400 nghìn đồng; Khoản 7, người điều khiển xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển sẽ bị phạt từ 1,2 đến 2 triệu đồng.

Đối với các vi phạm về hành lang ATGT đường sắt, Nghị định 46 cũng tăng mức xử phạt tối thiểu. Trong đó, sẽ tăng mức xử phạt tối thiểu từ 1 triệu lên 2 triệu đồng với cá nhân, từ 2 triệu đồng lên 4 triệu đồng với tổ chức có các hành vi vi phạm: Để phương tiện, thiết bị, vật liệu, hàng hóa, chất phế thải hoặc các vật phẩm khác trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang ATGT đường sắt; Dựng lều quán, nhà tạm, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường sắt; Đặt, treo biển quảng cáo, biển chỉ dẫn hoặc các vật che chắn khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường sắt... Đây cũng là những vi phạm phổ biến tại hành lang nhiều tuyến đường sắt hiện nay.

Việc bổ sung, tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với các hành vi đe dọa trực tiếp ATGT đường sắt, an toàn chạy tàu trên sẽ có tác dụng răn đe, phòng ngừa tái diễn lớn nếu việc phát hiện, xử phạt được kịp thời. Tuy nhiên, phần lớn các hành vi vi phạm này chưa được xử lý kiên quyết, kịp thời nên tình trạng tái diễn vi phạm vẫn xảy ra.

Phạt đến 20 triệu đồng nếu vận chuyển hàng hóa quá tải toa xe

Nếu Nghị định 171 chỉ quy định phạt tiền từ 2 triệu - 3 triệu đồng đối với trưởng ga vi phạm để hàng hóa trên toa xe quá tải trọng quy định, thì Nghị định 46 bổ sung Điều 61 quy định mức xử phạt theo hướng tăng nặng đối với hành vi này. Cụ thể, tổ chức trực tiếp kinh doanh vận tải đường sắt vận chuyển hàng hóa trên mỗi toa xe vượt quá tải trọng cho phép trên 10% - 40% sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu - 5 triệu đồng, vượt trên 40% - 100% sẽ bị phạt từ 5 triệu - 10 triệu đồng và vượt quá trên 100% bị phạt từ 10 triệu - 20 triệu đồng.

Về quy định này, ông Hoàng Văn Triệu, Trưởng ga Giáp Bát cho biết, quy định tổ chức kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt phải chịu trách nhiệm, bị xử phạt do để hàng xếp quá tải trọng cho phép chở của toa xe là hợp lý trong tình hình thực tiễn hiện nay. Vì theo mô hình mới, ga đường sắt chỉ có chức năng khai thác, kinh doanh phần kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc địa bàn ga và tổ chức chạy tàu. Tuy nhiên, nhà ga vẫn phải có trách nhiệm kiểm soát việc chống xếp hàng quá tải, vì vậy ga và các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa đã ký cam kết thực hiện nghiêm túc vấn đề này. 

Nguồn: Báo Giao thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây