Giảm lao động, tăng thu nhập - Bài toán và lời giải

Thứ ba - 27/09/2016 23:16

Trong số này, hai khối vận tải và cơ sở hạ tầng (CSHT) là có số lượng lao động lớn. Những năm qua, mặc dù Tổng công ty đã có văn bản yêu cầu các các đơn vị sắp xếp lại tổ chức để tinh giảm bớt lao động nhưng số lượng lao động giảm không đáng kể. Thậm chí khối CSHT còn phải tăng thêm 483 lao động do xây dựng mới 89 điểm chắn đường ngang. Khối vận tải có giảm nhưng không nhiều. Trong năm 2008 đã tách lao động phục vụ ăn uống trên tàu ra khỏi sản xuất chính, do đó lao động sản xuất chính của khối này giảm nhưng lao động sản xuất khác lại tăng lên.

Thu nhập bình quân người lao động toàn Tổng công ty năm 2009 là 3,206 triệu đồng, bằng 100,2% so với năm 2008; trong đó Khối Vận tải bình quân 3,307 triệu đồng, Khối Công ích 3,074 triệu đồng, Khối Xây lắp 3,383 triệu đồng, Khối Công nghiệp 2,519 triệu đồng, Khối dịch vụ, vật tư, du lịch 2,764 triệu đồng; so với cùng kỳ năm 2008 tỷ lệ tương ứng là 92,9%, 105,9%, 121,6%, 90,8% và 98,3%.
 

Tình hình năm 2010 và những năm tới tiếp tục sẽ gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế vẫn còn, giá cả biến động liên tục. Doanh thu của ngành tăng trưởng chậm, vận tải cạnh tranh quyết liệt theo cơ chế thị trường, trong khi đó năm 2010 nhà nước lại tăng mức lương tối thiểu... Đó chính là những áp lực lớn đối với việc tổ chức đời sống, nâng thu nhập của người lao động trong ngành ĐS.

Để tiếp tục làm tốt chế độ chính sách và nâng cao thu nhập cho người lao động, trong năm 2010 và những năm tới, ngành ĐS sẽ tập trung tiến hành sắp xếp lại tổ chức và giảm lao động, đặc biệt ở hai khối có lao động quá đông là khối vận tải và CSHT. Ngày 13-11-2009, Thủ tướng Chính phủ có quyết định chuyển đổi Tổng công ty ĐSVN sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, tiến tới hình thành tập đoàn kinh tế. Trong đó, 3 công ty vận tải sẽ tiến hành cổ phần hóa, 20 công ty QLCSHT chuyển đổi sang công ty TNHH một thành viên. Đây là cơ hội để sắp xếp lại tổ chức, sắp xếp và đổi mới lực lượng lao động từ Cơ quan Tổng công ty đến các đơn vị cơ sở.

Theo kế hoạch, với số lao động hiện có 14.417 người, khối CSHT sẽ tiến hành xây dựng phương án chuyển đổi từ công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên. Sắp xếp lại tổ chức, từ cơ quan công ty đến các đơn vị trực thuộc, giảm lao động gián tiếp xuống mức 8%, bố trí lại ban kíp hợp lý để giảm lao động trực tiếp.

Với khối này, để giảm được lao động và nâng cao thu nhập, các đơn vị phải quan tâm đầu tư để tăng năng suất lao động bằng các biện pháp: nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy trình quy phạm, hợp lý hóa các tác nghiệp để tiết kiệm lao động, xây dựng các chức danh kiêm nhiệm và bố trí tối đa máy móc đã nhập về để cơ giới hóa một bước công tác duy tu sửa chữa ĐS. Tiếp tục duy trì việc mua các thiết bị cơ giới để làm công tác bảo trì, xây dựng, thi công, sửa chữa ĐS nhằm giảm lao động trực tiếp; đưa thiết bị cảnh báo tự động hoặc chắn tự động, làm cầu vượt để giảm lao động gác chắn đường ngang. Thực hiện quy chế tiết kiệm, chống lãng phí, kiên quyết xử lý các trường hợp gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong quản lý vật tư, tiền vốn... Phấn đấu giảm 3-5% lao động làm cơ sở tăng tiền lương và thu nhập cho lao động trong khối.

Với khối vận tải - khối có số lượng lao động lớn nhất ngành: 20.457 người, phải xây dựng lộ trình từng bước để tiến hành phương án cổ phần hóa, sắp xếp lại tổ chức và lao động, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình sắp xếp lại tổ chức đồng thời tiến hành sắp xếp lại lao động để giảm bớt lao động trong dây chuyền chính. Số lao động dôi dư được đưa sang sản xuất phụ hoặc sẽ đề nghị các bộ ngành giải quyết để CBCNV về nghỉ được hưởng theo Nghị định 110 của Chính phủ nếu được các cơ quan nhà nước đồng ý.

Để sắp xếp lại lao động của khối này, cần nhanh chóng xã hội hóa dịch vụ ăn uống trên tàu, cho tiến hành đấu thầu phục vụ ăn uống. Bố trí lại nhân viên phục vụ hành khách trên tàu (bố trí 2 người phụ trách 3 toa thay vì 1 người/1 toa như hiện nay). Giảm bớt số lượng nhân viên khách hóa vận tại các ga. Đưa thiết bị đuôi tàu hàng vào sử dụng, tiến tới không bố trí trưởng tàu hàng. Đưa vào hoạt động điện khí tập trung để giảm bớt lao động gác ghi, đi kèm với xây dựng lại quy trình tác nghiệp phù hợp. Tách lực lượng cung cấp nhiên liệu và quản lý nhà lưu trú phục vụ lái tàu khỏi khối sản xuất chính của Liên hiệp Sức kéo ĐS. Theo tính toán sơ bộ của Ban TCCB-LĐ Tổng công ty, nếu thực hiện được các giải pháp trên sẽ giảm bớt được khoảng 500-600 lao động. Số lao động này hoặc được đưa sang dây chuyền sản xuất phụ hoặc đề nghị các bộ ngành giải quyết cho về nghỉ hưởng theo Nghị định 110 của Chính phủ... (theo Báo đường sắt)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây